Về lại Việt Nam, làm vài vòng thăm đường phố. Up hình đi Nhật có vẻ hớn hở thế thôi chứ thật ra trong lòng có nỗi buồn riêng. Buồn lắm!

Buồn vì khoảng cách giữa mình và họ xa quá, không nói đến công nghệ hay cơ sở hạ tầng, khoảng cách đáng lo ngại nằm ở ngay trong mỗi con người: ở đôi tay, con tim, và khối óc của người đó.

Khi xuống xe buýt, tôi nhận thấy bác tài nói “Arigatou..” (Cảm ơn) với từng người một. Khi đi qua lối soát vé tàu điện dành cho người sử dụng JR Pass, tôi cũng nghe thấy người soát vé nói “Arigatou gozaimasu” với từng người đi qua, với một thái độ cứ như đó là lần đầu tiên họ nói như vậy, và cho dù có hàng ngàn người đi qua, thì họ vẫn nói y chang như vậy với hàng ngàn người. Đó chỉ là một ví dụ nhỏ nhưng tôi biết mình sẽ khó có thể tìm thấy điều đó ở quê hương vĩ đại của mình vào lúc này.

Khoảng cách đã không còn là 1 thế hệ mà có lẽ phải là 3 thế hệ. Nếu như chúng ta có được một hướng đi đúng, cộng với may mắn và cả điều thần kỳ. Khi nghĩ đến khoảng cách này, tôi chợt cảm thấy buồn vì nó không phải thứ khoảng cách “1/1000 giây” giữa nhà vô địch và người về thứ hai trong một cuộc chạy đua nước rút. Nó là khoảng cách xa vời hơn, như là giữa một thiên tài kiếm thuật 25 tuổi, được thừa nhận là thiên tài từ nhỏ nhưng vẫn tập rút kiếm 30.000 ngàn lần mỗi ngày kể từ năm lên 6 tuổi, so với một người đã hơn 30 tuổi, rệu rã, không có tài năng thiên phú, đã vậy còn không thèm nỗ lực một chút nào, mới 2h trưa đã say xỉn, sống nhờ vào “nguồn lực bố thí” của xã hội.

Khi đã nhận ra một “khoảng cách” có tồn tại như vậy, tôi cảm thấy trăn trở nhiều, đây không phải lần đầu tôi đến một nước lớn, nhưng cảm giác trăn trở này thì là lần đầu. Tôi bi quan quá chăng? Về lại Việt Nam, nhìn thấy cách các bạn trẻ (là tương lai của đất nước tôi) làm việc và đối nhân xử thế, tôi lại cảm thấy đó là thực tiễn, và nên nhìn vào sự thật.

Tiếp xúc với các bạn Nhật, một người Việt Nam sẽ nhận ra là mình có thể dễ dàng “bắt nạt” các bạn ấy, vì họ hiền quá chăng? Nhưng không, nếu nhìn xa hơn bạn sẽ thấy người dân nước họ là những người thực sự khôn ngoan và luôn nghĩ cho cái chung, cho mục tiêu cuối cùng. Còn chúng ta khôn quá lại hoá dại, tủn mủn, chỉ nghĩ đến lợi ích của riêng mình ngay cả trong một nhóm nhỏ đi cùng nhau (và còn tệ hơn, là nghĩ cách đi chặn lợi ích của người khác làm phương châm ra quyết định, thay vì win-win). Vì vậy chúng ta có thể tỏ ra khôn hơn ban đầu, nhưng cái khôn đó chỉ là “khôn lõi, khôn vặt, khôn… dại”. Nó cũng giống như một người cứ cố tỏ ra là mình thông minh, càng cố gắng bao nhiêu, mọi người xung quanh càng thấy người ấy thật… ngu ngốc và rỗng tuếch bấy nhiêu…

Tôi nhớ lại bức tranh mô tả “ván mạt chược phương Đông” trong đó Nhật là nước bị đánh giá là... ngu nhất, bị thua gần như tất tần tật quần áo trên người. Thật ra bức tranh đó do một hoạ sỹ Trung Quốc vẽ. Nếu tiếp xúc và “cảm” tinh thần của người Nhật, của một Samurai, ta nhận ra họ không dành chiến thắng theo kiểu “Tam quốc chí”, đôi khi họ dựa quá nhiều vào nghị lực, ý chí, và lòng chính trực – chính trực đến nỗi bị đánh giá là ngu – nhưng đôi khi chính điều đó lại biến họ thành người chiến thắng thực sự và tạo ra những kỳ tích - chúng ta rất dễ có một niềm tin như vậy khi tiếp xúc sâu với họ. Như vậy có khi còn hơn là tin vào những “mưu kế nửa vời” theo kiểu tam quốc chí của một ông em cố gắng bắt chước ông anh, muốn thoát khỏi ông anh nhưng mọi thứ từ kinh doanh cho đến chính trị muốn bàn đều phải đem tư tưởng của ông anh ra luận. Có lẽ chúng ta nhỏ bé vì chúng ta làm mọi thứ rất “nửa vời”, chính không ra chính, tà không ra tà.

Dù sao, cuộc đời vẫn dạy tôi rằng cho dù chỉ có 1% hy vọng, thì nó vẫn là hy vọng.

Tôi tin vào đam mê của tuổi trẻ. Và nếu đó là đam mê, chúng ta sẽ nhận ra rằng mỗi giây không được sử dụng cho đam mê, đó đều là một sự lãng phí. Nếu có quá nhiều lãng phí, đó là một tội ác. Chúng ta tin vào điều thần kỳ, nhưng cần lao động cật lực ngay ngày hôm nay.

- June, 2014 -

Tạ Minh Tuấn, Chủ tịch TMT Group, YUP Education

Link bài viết: KHOẢNG CÁCH GIỮA HỌ VÀ TA ĐÃ LỚN THẾ NÀO?